Bài này mình viết về trải nghiệm lần đầu đi khám bệnh ở Nhật.

1. Một số kiến thức về khám bệnh ở Nhật.

- Nhớ mang thẻ bảo hiểm khi đi khám bệnh, có thẻ bảo hiểm được giảm 70%, bạn phải đóng 30%.

- Phòng khám, bệnh viện và hiệu thuốc là 3 cơ sở hoàn toàn riêng biệt nhau chứ không như ở VN đi khám bệnh là lấy thuốc được luôn. Ở Nhật bạn khám ở một nơi và mua thuốc ở nơi khác.

- Sẽ mất 2 loại phí là phí khám bệnh tại phòng khám và phí mua thuốc tại hiệu thuốc.

- Tại hiệu thuốc bạn chỉ mua được thuốc của bác sỹ kê với giá 30% khi có bảo hiểm, còn các loại thuốc khác bạn muốn mua thêm phải mất 100% phí dù có bảo hiểm hay không.

- Bạn nên tìm hiểu trước qua internet, có thể tham khảo bài http://locobee.com/mag/vi/2017/11/26/di-kham-tai-benh-vien-o-nhat-ban/

 

2. Chuẩn bị và tìm phòng khám

Chủ nhật tuần trước mình bị đau tai phải, sang ngày hôm sau thì không bị đau nữa và kể từ đó tới giờ tai cứ bị ù dù không ảnh hưởng tới việc nghe lắm.

Mình làm từ thứ 2 tới thứ 6 nên chỉ đi khám được vào 1 trong 2 ngày cuối tuần. Tối hôm thứ 6 đi ăn uống với mấy đứa bạn say nên mãi tới 15h thứ bảy mình mới ngủ dậy.

Trước khi đi khám mình search google và đọc trước bài http://locobee.com/mag/vi/2017/11/26/di-kham-tai-benh-vien-o-nhat-ban/ để xem kinh nghiệm. Sau đó mình tìm phòng khám tai mũi họng ở gần nơi mình sống trên trang https://byoinnavi.jp/.

Vì mãi tới 15h30 mình mới bắt đầu tìm phòng khám nên mình chỉ tìm những phòng khám có hoạt động vào chiều thứ bảy và có khám tai-mũi-họng. Các phòng khám ở Nhật có các khoa khác nhau nên bạn nào tìm thì phải chú ý, một số từ tiếng nhật về khoa khám bệnh:

内科(ないか)       - những bệnh liên quan đến nội tạng như cảm cúm, đau bụng, tiêu chảy.

小児科(しょうにか)    - bệnh của trẻ em.

皮膚科(ひふか)      - bệnh da liễu.

外科(げか)        - như gãy xương hay bị thương.

耳鼻咽喉科(じびいんこうか)- bệnh tai mũi họng.

眼科(がんか)       - bệnh về mắt.

歯科(しか)        - bệnh răng nướu.

産婦人科(さんふじんか)  - bệnh liên quan đến sản khoa và phụ khoa.

 

2. Tại phòng khám.

Khi tới phòng khám thì thấy khá đông người, lần đầu đi khám nên mình loay quay một lúc không biết làm gì. Mình vào trực tiếp chỗ quầy tiếp tân và nói là lần đầu đi khám tại Nhật, họ đưa cho mình một tờ giấy để đánh dấu chọn các triệu chứng bệnh vào đó. 

Sau khi nộp lại cùng với thẻ bảo hiểm thì ngồi chờ tới lượt mình. Khi đến lượt họ gọi mình theo họ chứ không phải theo tên nên nghe lần đầu mình ko nhận ra, đến khi họ gọi lại lần 2 mới nhận ra.

Khi vào bác sỹ khám thì tai mình không có vấn đề gì, bác sỹ xem cả họng và mũi cũng không thấy có gì. Bác sỹ cho mình đến đo khả năng nghe của tai, chị y tá sẽ đưa mình vào một cái hộp kín và đeo tai nghe cho mình rồi giải thích cách làm. Lúc nghe được âm thanh thì ấn mãi cái nút ở tay cầm chị í đưa, không nghe được nữa thì thả nút đó ra, đo từng tai một. Đo khoảng 10' là xong.

Kết quả đo của mình như sau: 

             đi khám ở nhật

Bác sỹ nói cả 2 tai đều trên vạch đỏ là nghe không sao hết, tai phải nghe tốt hơn tai trái :))). Mình có nói là lúc nuốt nước thì ở tai phải có nghe được âm thanh khi nuốt, bác sỹ bảo thì thì do đau họng rồi ảnh hưởng tới tai và soi họng mình lần nữa. Thấy họng mình hơi đỏ (mình cũng có đau họng) nên ông kê cho mình đơn thuốc và ra ngoài đợi tiếp.

Khi đến lượt thì chị nhân viên đưa đơn thuốc và thu phí khoảng 2sen3, đây là 30%(do mình có bảo hiểm) của phí khám chứ không liên quan gì tới phí mua thuốc.

             đi khám ở nhật

 

3. Tại hiệu thuốc.

Khi nhận đơn thuốc chị nhân viên sẽ chỉ hiệu thuốc gần đó để mình ra mua.

Vào mua thuốc thì nhân viên bán thuốc sẽ hỏi bạn là mua loại thuốc đắt tiền hơn hay rẻ tiền hơn. Mình chọn loại đắt tiền, bạn nào muốn tiết kiệm thì chọn loại rẻ tiền cũng chả sao :))).

Lần đầu mua thuốc nhân viên sẽ đưa một cuốn sổ ghi thuốc (nó là sổ khám bệnh ở VN đấy) và hỏi mình có sổ này chưa, nếu chưa họ sẽ viết đơn thuốc vào đó và đưa cho mình. Khi tái khám hoặc khám bệnh khác, bạn có thể đưa sổ đó ra và nói với bác sỹ là tôi đang uống loại thuốc như trong đó ghi.

Lúc đưa thuốc cho mình, nhân viên sẽ hướng dẫn cách uống như thế nào. Bạn có thể chọn tiếng anh hoặc tiếng nhật để cho nhân viên giải thích.

Mình mất 830 yên tiền mua thuốc, đó là 30% của giá trị thực đơn thuốc vì mình có bảo hiểm y tế.

           đi khám ở nhật

           đi lấy thuốc ở nhật